Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Đọc thơ hai người lúc Giao mùa


Giao mùa là khoảnh khắc tĩnh lặng, bâng khuâng, lưu luyến cái đang đi; đồng thời cũng có nét rạo rực, bồn chồn, mong chờ cái đang tới...
đọc thơ vào lúc này sẽ giống như tâm trạng của một người luôn nặng tình thương nhớ quê hương mà lòng còn mê đắm thú giang hồ. Bởi thế, giữa người đọc thơ và tác giả thơ dễ có sự đồng cảm ở nơi sâu thẳm của tâm hồn. Thú vị hơn, đây lại là thơ của hai người: Vũ Ngọc Toàn- Hoàng Yến. Hai người lần đầu tiên xuất hiện song đôi cùng một thi phẩm: Tập thơ Giao mùa (Nhà xuất bản Hội nhà văn 2009)
Hai người cùng chung một mái nhà thơ, nhưng bạn bè xa gần biết đến thơ Vũ Ngọc Toàn nhiều hơn, còn Hoàng Yến chỉ là phu nhân nhà thơ - một "hoa hậu đời thường" thủy chung, cần mẫn chăm chồng nuôi con. Vũ Ngọc Toàn có thơ ở nhiều Tuyển tập, cách đây mấy năm, tác giả đã in thơ riêng (tập Phía bờ tôi- Nhà xuất bản Hội nhà văn 2005)

Ở tập Giao mùa, Vũ Ngọc Toàn vẫn tỏ rõ là một người rất nặng lòng với quê hương và gia đình. Thơ anh đưa ta về quê mẹ, nơi đã lưu giữ tiếng khóc chào đời của anh ngày xưa, nay như còn đó thật vô cùng cảm động:

Về quê mẹ, trước ban thờ
Khói hương nghi ngút con chờ bao lâu
Người đi có thiết gì đâu
Thắp nhang ba nén khúc sâu thẳm hồn
                         (Trước ban thờ ngoại)
Vũ Ngọc Toàn sinh ở quê mẹ Hà Nam, nguyên quán Hà Tây, thường trú ở Hà Nội, lại có thêm quê vợ ở Hải Dương. Thơ anh có câu "một chốn bốn nơi" là vậy
Tác giả Giao mùa luôn đau đáu nỗi niềm xa nhớ quê hương Vân Đình- quê cha của anh, nay cũng đã là Hà Nội rổi. Người đọc rưng rưng cùng những vần thơ buồn thương mênh mông mà sâu lắng:
Biết người đi xa, trẻ vẫn ngác ngơ
Viếng vọng ông cha, khói nhang nhòa lệ
Chứng giám lòng này gần xa vẫn thế
Thăm lại nơi xưa còn- mất, đợi- chờ
...
Con sinh ra một chốn bốn nơi
Lang thang phiêu bạt gầm trời
Một cánh chim cũng có đàn, có tổ
Được ngày về, còn - mất vẫn vui
                         (Hồn đất ông cha)
Lần xuất bản này, điểm nổi trội trong thơ Vũ Ngọc Toàn ở tập Giao mùa là thơ tình yêu. Đó là một tình yêu lắng đọng, kết tinh ở nơi sâu thẳm của tâm hồn, của cõi lòng và con tim đa cảm. Trong dòng đời cuộn chảy, khi bắt gặp những bước sóng cùng tần số là lập tức rung lên những bước sóng cùng tần số là lập tức rung lên những tiếng thơ da diết:
Heo may vương vấn tình đầu
Lật trang thương nhớ dãi dầu long đong
Trang nào chuyện rối bòng bong
Trang nào hờn giận ngược dòng thời gian
                                 (Hoài niệm thu I)
Vì cuộc mưu sinh, vì nhiệm vụ thời chiến phải xa Hà Nội, Vũ Ngọc Toàn gửi "Nỗi nhớ Tràng An" vào hình ảnh một người con gái- Tức là gửi vào tình yêu:
Em người Tràng An rất thơ
Thiếu nữ đủ nết dịu dàng
Hồn nhiên quyến rũ
Đoan trang , ngời ngợi cao sang
                       (Nỗi nhớ Tràng An)
Nàng Thiếu nữ ấy, khi chiến tranh kết thúc đã trở thành Thiếu phụ vẫn còn để lại nỗi nhớ rạo rực trong lòng người xưa:
Trải qua chiến tranh
Khi kết thúc ta trở về mốc cũ
Hà Nội ngổn ngang bề bộn
Rạo rực nỗi nhớ Tràng An
                       (Nỗi nhớ Tràng An)
Lâu nay, bàn về thơ, người ta hay rạch ròi thơ hướng nội, hướng ngoại; phân biệt cụ thể "cái ta", "cái chúng ta" với "cái tôi"... Rồi thì muốn có thơ hay phải vật lộn với con chữ như là một "phu chữ"... Vũ Ngọc Toàn không trăn trở nhiều thế, mà chỉ viết theo cảm xúc của lòng mình, viết theo sự rung động của tâm hồn và sự thôi thúc của con tim với nỗi niềm mong mỏi rất nhân văn:
Đừng làm một phía bờ đau
Hãy làm hạt nước chăm nhau bốn mùa
                       (Hoài niệm thu II)
Đọc Giao mùa ta bắt gặp những câu thơ chất chứa tâm trạng, tưởng như chả nói điều gì, nhưng hóa ra rất gợi và nói rất nhiều điều. Khi đi du lịch sông Hồng, Vũ Ngọc Toàn chú ý đến một chi tiết nhiều người bỏ qua, đó là hoa nắng lung linh trên mặt sông:
Nó tự đến và tự đi
Tôi vội vàng nhặt hoa nắng trên sông
Dấu trong nỗi nhớ
Mong cài áo em khi ta ngắm sông Hồng
                        (Hoa nắng sông Hồng)
Ở bài "Xuân trong Mắt bão", từ cảm nhận về thơ Bùi Đăng Sinh, Vũ Ngọc Toàn đúc kết thành những triết lý về tình yêu, tình người, tình đời:
"Mắt bão" của trời dễ kinh thiên động địa
"Mắt bão" của em xoáy cuộn tim anh
Chuyện tình yêu có khi nào vô lý
Thi sĩ đa tình, thơ ngát xuân xanh
                        (Xuân trong mắt bão)
Khi bàn đến sự tồn tại hay không tồn tại, sự còn mất trong cuộc đời, Vũ Ngọc Toàn khẳng định chỉ tình yêu là vĩnh viễn trường tồn:
Vật chất tồn tại có thể đổi thay
Tình em như bốn mùa vẫn thế
Hai nửa yêu thương đã thành một cội
Hoa Hậu Đời Thường hương vẫn ngát say
                       (Nói với em hôm nay)
Hoa hậu đời thường ấy chính là Hoàng Yến- Đồng tác giả tập thơ Giao mùa. Hoàng Yến tên khai sinh là Hoàng Thị Hải Đường, bút danh: Hải Đường, Hoàng Yến.
Hoàng Yến ít xuất hiện nơi công chúng thơ, sáng tác chậm nhưng chắc, duyên thơ nhẹ nhàng mà đằm thắm. Những khi cảm xúc dâng trào cũng không kém phần mãnh liệt:
Sáo diều dạo khúc nhạc quê
Trăm năm một cõi đi về cỏn con
Một mai gió quất núi mòn
Tỉnh say ôm quả đất tròn vào thơ
                     (Ngẫu hứng thơ)
Giống như nhiều tác giả khác, Hoàng Yến cũng viết về quê hương, gia đình, về những kỷ niệm thời xanh xuân nhưng đã tạo được cho mình một cách diễn đạt riêng đầy nữ tính. Tình quê hương gắn với  những kỷ niệm thuở ấu thơ: tiếng sáo diều náo nức triền đê, lũ cuốn gọi bầy, làn gió nồm nam, những mẻ lưới tôm vít cần lách tách, hương lúa đồng thơn cả bến sông quê:
Phía bên này là đất tỉnh Đông
Còn bên ấy vùng Bắc Ninh quan họ
Nỗi nhớ cồn cào như mắc nợ
Tình đất tình người, tình bến sông quê
                         (Bến sông quê)
Hình bóng mẹ hiện lên qua lời ru đầu đời:
Lam chiều bảng lảng xa xa
Mẹ ơi! Vắng mẹ cửa nhà lạnh thêm
Nắng suông nhạt thếch ngoài hiên
Giàn trầu khô héo, cỏ lên đầy vườn
...
Cúi đầu lạy mẹ mười phương
Bóng chiều dần tắt khói hương não lòng
                         (Ký ức lời ru)
Khi tạm ngơi mọi việc gia đình, việc xã hội, Hoàng Yến lại đến vớ thơ. Bao nhiêu kỷ niệm xưa nơi đáy sâu tâm tưởng chợt ùa về hiện hình lên trang giấy những câu thơ nhiều tâm trạng:
Trang nhật ký vừa mở
Quá khứ lại ùa về
Da diết một miền quê
Vẫn găm đầy kỷ niệm
                      (Hoài niệm thu)
Trong tập Giao mùa, cả Vũ Ngọc Toàn và Hoàng Yến đều ít viết về danh lam thắng cảnh. Nhất là Hoàng Yến. Ít viết, nên khi viết thường tạo được ấn tượng sâu sắc. Đi du lịch, đa số người làm thơ hay tả và kể những điều mắt thấy tai nghe giống y cảnh thật. Những bài thơ du lịch kiểu ấy thường na ná như nhau, ít tâm trạng. Vốn là người sâu sắc, đa cảm, Hoàng Yến ghi lại nỗi niềm bâng khuâng khi đến Cửa Lò, bộc lộ sự day dứt đậm chất nhân văn:
Biển ký thác hồn mình vào cánh sóng
Để đắm say thêm xanh thẳm dịu êm
Để hờn ghen tung bão tố cuồng điên
Rồi cứ thế ngàn đời sau cứ thế
Đến bạc đầu biển vẫn say sưa kể
Trái tim mình thổn thức đập từ đâu...
                      (Bâng khuâng Cửa Lò)
Cùng một dòng cảm xúc suy ngẫm như vậy, để giáo dục các con, Hoàng Yến kể chuyện ngọc trai được sinh ra từ cơn đau đớn vật vã và quá trình đương đầu cùng sóng gió nơi biển cả mênh mông để nhắc nhở các con đừng bao giờ quên nguồn gốc của mình. Đó cũng là lời tự nhủ mình và mong có sự đồng cảm của mọi người:
Ngọc ơi có hay biết
Nơi mình được sinh ra
Biển bao la là nhà
Mà mẹ trai thật nhỏ
...
Đương đầu cùng bão tố
Mặc gió dập sóng vùi
Vẫn ấp ủ niềm vui
Dâng cho đời ngọc sáng
               (Chuyện ngọc trai)
Vâng! Tin rằng "viên ngọc thơ" của Vũ Ngọc Toàn và Hoàng Yến sẽ mãi mãi tở sáng, góp phần làm sáng lên những trang thơ, trang đời trong cuộc sống hôm nay, và mai sau.

Hà Nội, ngày Tết Đoan Ngọ năm Kỷ Sửu 2009
Bùi Đăng Sinh (Nhà thơ)            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét